ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ NGOẠI CẢNH ĐẾN CHẤT LƯỢNG VẠCH KẺ ĐƯỜNG

Để hoàn thành một vạch kẻ đường hoàn hảo chúng ta phải tính toán, kiểm soát và khắc phục rất nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố chủ quan (công thức thiết kế, kiểm soát chất lượng, chọn lựa vật liệu, quy trình thi công,…) và các yếu tố khách quan, hay còn gọi là các yếu tố ngoại cảnh (External Factors).

Có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến chất lượng của vạch kẻ đường, để tổng hợp chúng ta có thể phân loại chúng theo 3 nhóm:

  • Đặc tính bề mặt đường

  • Điều kiện giao thông

  • Tác nhân môi trường

Mỗi nhóm yếu tố đều có những tác động quan trọng đến chất lượng vạch kẻ đường. Do đó chúng cần được quan tâm và đánh giá trước khi chọn lựa vật liệu kẻ vạch đường phù hợp. Tuy nhiên, điều tuyệt đối là trong bất cứ tình huống hay loại vật liệu nào thì mặt đường cần phải vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo khô ráo trước khi thi công.

 

1. Đặc tính bề mặt đường

Bề mặt đường đóng vai trò quan trọng đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng vạch kẻ đường. Như chúng ta đã biết, vạch kẻ đường thường được thi công các loại bề mặt sau:

  • Bê tông nhựa chặt

  • Bê tông nhựa rỗng/nhám (điển hình cao tốc, mặt cầu, các đoạn dốc, các đoạn uốn cua,…)

  • Mặt đường thấm nhập/láng nhựa

  • Bê tông xi măng

Đối với các mặt đường khác nhau, các đặc tính quan trọng ảnh hưởng đến vạch kẻ đường bao gồm:

  • Độ nhám

  • Độ rỗng

  • Độ nhạy nhiệt

 

Độ nhám: Các mặt đường có độ nhám cao bao gồm mặt đường tạo nhám trên cao tốc hoặc một số nơi được thiết kế nhám (mặt cầu, các đoạn dốc, khúc uốn cua,…), mặt đường thấm nhập/láng nhựa. Vạch kẻ trên các mặt đường này thường có độ phản quang và tuổi thọ thấp so với mặt đường phẳng. Đối với nhóm mặt đường có độ nhám cao, cần thiết phải sử dụng nhiều sơn và sơn lớp kẻ vạch dày hơn thông thường nhằm khắc phục các yếu tổ ảnh hưởng bởi độ nhám. Một số vấn đề liên quan đến độ nhám có thể liệt kê như sau:

Độ rỗng: Khả năng bám dính của sơn kẻ vạch đối với bê tông nhựa rỗng thường cao hơn thông thường do hình thành liên kết cơ học bổ sung khi sơn chảy xuống các lổ rỗng của lớp bê tông nhựa rỗng. Tuy nhiên đối với mặt đường rỗng thì lượng sơn cần sử dụng sẽ nhiều hơn đối với mặt đường nhám và mặt đường chặt thông thường. Mức độ tiêu hao sơn sẽ tùy thuộc vào độ rỗng và chiều dày của mặt đường. Thông thường lớp bê tông nhựa rỗng có độ rỗng khoảng 25%. Khi sử dụng sơn đủ để lắp độ rỗng và tạo vạch thì vạch sơn trên trê lớp bê tông nhựa rỗng sẽ rất bền, tuy nhiên nếu sẽ dụng lượng sơn ít thì phần lớn sơn sẽ thấm vào các mao mạch rỗng, từ đó làm cho lượng sơn trên bề mặt không còn đủ, ảnh hưởng đến chất lượng vạch đường.

 

Độ nhạy nhiệt: Độ nhạy nhiệt của mặt đường có ảnh hưởng rất lớn đến độ bám dính và chất lượng trong quá trình khai thác của vạch sơn. Đối với mặt đường asphalt, do tính chất nhạy nhiệt của bitum nên khi thi công lớp kẻ vạch bằng sơn nhiệt dẻo, nhiệt độ của sơn nóng chảy sẽ làm hóa mềm mặt đường asphalt, khi đó nhựa đường sẽ ứng xử như chất lỏng nhớt, lúc này nhựa đường và sơn sẽ hòa vào nhau tại điểm tiếp xúc, khi nguội sẽ hình thành liên kết chặt. Điều này không xảy ra đối với mặt đường Bê tông xi măng, do đó độ bám dính của sơn nhiệt dẻo đối với mặt đường bê tông nhựa cao hơn mặt đường bê tông xi măng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng độ bám thì đôi khi mặt đường bê tông nhựa cũng gây ảnh hưởng không tốt với sơn kẻ vạch, điển hình là hiện tượng thấm ngược nhựa đường. Dưới tác dụng của nhiệt độ môi trường, đặc biệt tại các vùng khí hậu nóng, nhựa đường có thể chảy lỏng và thấm ngược lên trên mặt đường, và thấm ngược lên lớp vạch sơn, làm giảm màu vạch và xuất hiện các vết đen lớn.

 

 

2. Điều kiện giao thông

Điều kiện giao thông ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vạch sơn và độ bền của chúng trong quá trình khai thác. Thông thường các loại sơn kẻ vạch gốc nước, gốc nhựa alkyd chỉ thích hợp với các đoạn đường có lưu lượng và tải trọng giao thông thấp. Đối với các đoạn đường có lưu lượng và tải trọng lớn thì nên dùng sơn nhiệt dẻo, trong một số trường hợp có thể dùng sơn dung môi gốc acrylic, epoxy tùy theo yêu cầu thiết kế.

 

3. Tác nhân môi trường

Các tác nhân môi trường (nhiệt độ, gió, mưa, tuyết, độ ẩm,…) có ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công và chất lượng sơn kẻ vạch trong thời gian khai thác.

Thời tiết lạnh, gió nhiều sẽ làm cho sơn nhiệt dẻo mau nguội khi thi công, có thể giảm độ bám dính với mặt đường và với hạt phản quang. Không được thi công khi trời mưa, mặt đường ẩm ướt, rơi tuyết,…

Đối với khu vực ẩm ước, mưa nhiều, tuyết rơi thì độ bền của vạch sơn sẽ kém hơn thông thường do vạch sơn thường xuyên tiếp xúc với nước và hơi ẩm, làm giảm độ bám dính với mặt đường.

Ở các vùng thời tiết lạnh vạch sơn sẽ nhanh bị cứng giòn, từ đó dễ bị nứt vỡ trong quá trình khai thác.

Đối với các vùng thời tiết nóng thì vạch sơn dễ bị chảy mềm, thậm chí in vệt bánh xe lên sơn, hoặc xuất hiện các vết đen do nhựa đường thẩm thấu ngược lên bề mặt.

 

 Dr. Tu

Hotline: 0938100477 (Mr Phương)